Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Thethao.vn: Đương quê ở Bắc Giang, thi đấu cho đoàn Bắc Ninh, nhưng hiện tại tập luyện ở Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Quốc gia 2 (TP Hồ Chí Minh). Theo thời gian, Đương đã làm những gì để quen với việc xa nhà?

Nguyễn Văn Đương: Từ nhỏ tôi đã quen với việc tập luyện, thi đấu xa gia đình, đến giờ cũng được gần 13 năm rồi. Điều quan trọng khi sống xa nhà là tôi phải học cách làm quen, thích nghi với nơi mình sống. Mọi thứ từ ăn uống, sinh hoạt đến lịch làm việc ở mỗi nơi, mỗi vùng sẽ khác nhau.

Không thể nói sự khác biệt ở từng nơi là điểm tốt hay bất lợi, bởi tôi đều phải học cách thích nghi dần theo thời gian và làm quen với nó.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Cuối năm ngoái, khi tôi thi đấu giải Boxing toàn quốc thì thời tiết ở Bắc Ninh rất lạnh. Sau khi giải đấu kết thúc, tôi nghỉ ngơi vài ngày vồi lại bay vào TP Hồ Chí Minh tập luyện thì trời rất nóng. Khi thời tiết thay đổi bất thường như thế, cơ thể nếu không thích nghi kịp sẽ rất dễ ốm, mệt mỏi.

Với một vận động viên như tôi, tập luyện hàng ngày là công việc, vào Nam ra Bắc thi đấu cũng là công việc. Vì thế, cơ thể tôi cần ở trạng thái tốt nhất để phục vụ cho công việc hàng ngày của mình.

Trong quá trình tập luyện, thi đấu, tôi thường mang theo thuốc trị cảm cúm nhưng ít khi dùng. Tôi tự cảm nhận thấy mình không dễ bị ốm. Ngoài ra tôi có dùng thêm thuốc bổ và một số sản phẩm hỗ trợ tập luyện khác.

Mỗi ngày tôi ăn 3 bữa sáng, trưa và tối. Thực đơn được bộ phận hậu cần của nhà bếp thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể dục Thể thao Quốc gia 2 lên, và chúng tôi ăn theo thực đơn đó vào giờ quy định.

Đương liên lạc với gia đình, bạn gái ra sao khi tập luyện xa nhà?

Thường thì tôi sẽ gọi về nhà khoảng 1 đến 1 lần mỗi tuần. Bố mẹ hay hỏi tôi ở trong này sinh hoạt, ăn uống, tập luyện ra sao. Bình thường mỗi cuộc gọi sẽ kéo dài khoảng 5-10 phút, nếu có chủ đề gì tôi cần trao đổi, bàn bạc với gia đình thì sẽ nói chuyện lâu hơn.

Về chuyện tình cảm thì hiện tại tôi đã có bạn gái. Chắc chắn là tôi thường xuyên nói chuyện với bạn gái; thậm chí, tôi nghĩ ai cũng như vậy thôi, nói chuyện với bạn gái nhiều hơn với gia đình. Hàng ngày chúng tôi ít nhất cũng nhắn tin chia sẻ qua lại với nhau, hoặc có gọi điện thoại.

Đâu là quyết định bước ngoặt khiến Đương theo đuổi sự nghiệp Boxing?

Dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi diễn ra vào năm 2012, khi tôi được gọi lên đội tuyển trẻ quốc gia. Trước đó, tôi từng có thời gian muốn nghỉ thi đấu. Ban đầu khi tôi mới tập luyện Boxing hồi năm 2009, các thầy không nhận vì nhỏ quá. Nếu tôi không nhầm thì hồi đó tôi 13 tuổi nhưng chỉ nặng có 32kg.

Tôi may mắn được các thầy giữ lại để thử thách thêm. Sau 1 năm tập luyện, tôi có cơ hội lần đầu tiên tham dự một giải đấu ở cấp độ quốc gia. Đó là giải trẻ toàn quốc 2010, giải đấu tôi giành HCV. Ở thời điểm ấy, thành công với chức vô địch giúp tôi nghĩ mình có thể theo đuổi Boxing trong thời gian tới.

Nhưng mọi thứ không diễn ra theo ý muốn của tôi vào các năm 2011 và 2012. Ở 2 giải vô địch trẻ diễn ra trong thời gian đó, tôi đều phải nhận thất bại. Việc trắng tay trong 2 năm liền khiến tôi cảm thấy có thể mình không còn duyên với Boxing nữa. Tôi muốn nghỉ, nhưng xin phép các thầy cho phép mình về nhà một thời gian.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Quãng thời gian tạm xa Boxing của tôi kéo dài khoảng 1-2 tuần, không quá dài, sau đó tôi lại xin với các thầy để lên đội tập luyện trở lại. Tôi tập liên tục trong 3 tháng để tham dự giải vô địch Boxing toàn quốc 2012. Ở tuổi 16, tôi giành HCĐ và được gọi lên đội tuyển quốc gia. Sự tự tin trở lại với tôi, giúp tôi tiếp tục gắn bó với Boxing đến tận bây giờ.

Trong 2 tuần về nhà, tạm xa Boxing, tôi có nói chuyện về việc nghỉ tập và được bố mẹ đồng ý. Nhưng để tôi trở lại học hành như bạn bè đồng trang lứa thì gia đình đưa tôi lên Thái Nguyên học lại. Trước đây tôi học cũng tốt, nhưng từ khi hoạt động thể thao thì không theo kịp chương trình như các học sinh chính quy nên có phần bị hổng kiến thức.

Tuy nhiên, sau 2 tuần học ở Thái Nguyên thì tôi lại gọi điện thoại về cho gia đình, nói muốn đi tập lại. Một lần nữa, bố mẹ chiều theo quyết định của tôi. Nhìn lại về quãng thời gian đã qua, tôi nghĩ nếu không theo đuổi Boxing thì mình sẽ lên học đại học, ra trường làm một công việc đúng với chuyên ngành học hoặc trở lại quê hương kinh doanh cùng gia đình.

Cá nhân Đương có thấy may mắn khi Boxing cho Đương một con đường, một hướng đi rõ ràng trong tương lai không?

Có thể nói tôi may mắn được đến với Boxing, nhưng để tiếp tục theo đuổi đến bây giờ thì không phải ai cũng làm được. Có rất nhiều bạn bè đồng trang lứa biết đến Boxing giống như tôi, tập luyện cùng tôi, nhưng lại bỏ dở giữa chừng. Rất nhiều bạn trẻ bây giờ cũng như vậy.

Kể từ khi bắt đầu tập luyện và thi đấu Boxing, thực ra tôi thua khá nhiều. Nhưng hầu hết những người từng đánh bại tôi, sau này tôi gặp lại đều đánh bại được họ. Chỉ có những người sớm nghỉ thi đấu, hoặc chuyển sang chơi ở hạng cân khác thì tôi không còn cơ hội tái đấu với họ nữa.

Tôi đã thi đấu với rất nhiều võ sĩ, rất nhiều anh em nên không thể biết tường tận từng người trong số họ bây giờ đang làm gì, ở đâu. Với những người từng tập luyện cùng đội với tôi trước đây thì tôi biết rõ hơn, nhưng cũng không thể biết chính xác mọi thứ về họ được.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Đã bao giờ Đương tình cờ gặp một người quen cũ thông qua đề xuất kết bạn trên Facebook chưa?

Tôi từng gặp phải tình huống như thế, nhưng sẽ không thể nói chuyện hàng giờ đồng hồ liên với họ. Tôi khá ít nói chuyện trên mạng xã hội, và ít chủ động bắt chuyện với người khác, nhất là khi đó không phải người quá thân thiết với mình. Tôi thích gặp gỡ trực tiếp mọi người để cùng nói chuyện, chứ không phải nhắn tin gọi điện.

Tức là Đương thuộc kiểu người thích sống thật, không sống ảo?

Tôi chưa bao giờ để ý hay ngồi tính xem một ngày mình dùng điện thoại bao lâu cả. Thường thì vào lúc rảnh rỗi tôi sẽ dùng điện thoại nói chuyện với bạn gái, lướt mạng xã hội, xem phim, đọc truyện, đọc tin tức. Nhìn chung tôi là một võ sĩ nên tôi thích sống thật chứ không sống ảo.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Về thú vui đọc truyện, trước đây tôi thích truyện tranh nhưng sau này dần chuyển sang đọc truyện chữ. Những truyện càng dài tôi càng thích đọc, nhất là những bộ kiếm hiệp. Có bộ truyện tôi phải mất gần 1 năm mới đọc xong, bởi đó là những bộ truyện kéo dài 1000 chương.

Với thói quen đọc tin tức, tôi thường đọc tin liên quan đến dịch COVID-19 hoặc các bản tin tài chính. Tôi đọc nhiều về tin tức tài chính bởi thời gian gần đây tôi có đầu tư chứng khoán. Những tin đó giúp ích cho tôi nhiều hơn trong quyết định đầu tư, cũng như hiểu rõ hơn về thị trường.

Giữa công việc và các mối quan hệ, cũng như việc cá nhân khác, tôi luôn tìm cách để cân bằng. Thường thì sau mỗi buổi tập kéo dài 2-3 tiếng, tôi sẽ dành thời gian nghỉ ngơi để đọc tin. Thường thì tôi không quá quan tâm đến những con số nhảy trên bảng điện, chỉ xem một lúc thôi.

Tôi không thể để mình phụ thuộc, lạm dụng hay đam mê quá nhiều vào chứng khoán. Những mối quan hệ cá nhân của tôi cũng vậy, điều đó không được ảnh hưởng đến chuyện tập luyện và thi đấu của tôi. Từ ngày mới tập luyện Boxing đến bây giờ, tôi luôn cố gắng tập trung để không bị các thầy nhắc nhở, phê bình vì chuyện sao lãng trong lúc tập luyện.

Về chuyện phân biệt rạch ròi giữa chuyện cá nhân và công việc, tôi còn thi đấu được đến bây giờ là vì gia đình luôn ủng hộ phía sau. Không phải gia đình nào cũng đồng ý để con trai mình tập luyện xa nhà, có năm chỉ được về 1-2. Bạn gái của tôi bây giờ cũng vậy, sau thời gian nói chuyện, tìm hiểu thì cô ấy cũng ủng hộ tôi.

Đã bao giờ bố mẹ Đương chứng kiến Đương thi đấu, nhận quá nhiều đòn nặng và bảo Đương suy nghĩ về chuyện nghỉ tập luyện?

Mọi trận đấu của tôi có ghi hình đều được bố mẹ bật máy lên xem, thậm chí xem đi xem lại nhiều lần. Tôi đã thua nhiều trận, nhận nhiều đòn đau, nhưng chưa bao giờ bố mẹ khuyên tôi nghỉ thi đấu sau một trận đấu cả. Bố tôi luôn đồng cảm và thấu hiểu. Ông thường khuyên tôi cố gắng tập luyện, làm thế nào để nhận đòn nhưng vẫn đánh thắng đối phương.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Hãy tưởng tượng tình cảnh thế này: Tôi bước vào một trận đấu, gặp võ sĩ có trình độ tốt hơn mình. Anh ta đánh thắng, tôi thua. Dĩ nhiên tâm trạng tôi khi ấy cảm thấy rất buồn chán. Nếu như trong hoàn cảnh như vậy, người nhà nói "Thôi nghỉ đi con" thì có lẽ tôi sẽ mủi lòng và nghe theo mọi người, nghỉ thật. Lòng quyết tâm, tinh thần của tôi để trở lại võ đài sẽ không còn nữa.

Bố mẹ nào cũng thương con, nhìn thấy con chịu đòn như vậy cũng xót, nhưng bố mẹ tôi không bao giờ khuyên tôi nghỉ thi đấu. Sau mỗi lần tối nhận thất bại, bố tôi thường bảo cố gắng tập luyện để thi đấu tiếp, nghe hướng dẫn của các thầy, trở lại võ đài, tìm cách gặp lại đối thủ và đánh bại họ. Tinh thần, sự hưng phấn của tôi khi ấy đang xuống lại được tăng lên nhiều lần.

Phải chăng những lời động viên như vậy đã giúp Đương giành vé dự Olympic, khi anh đánh bại chính đối thủ từng hạ mình ở SEA Games 2019?

Có lẽ là như thế. Khi thượng đài để đấu võ sĩ Thái Lan Chatchai Butdee và giành vé dự Olympic Tokyo, chính tôi cũng cảm thấy ngạc nhiên và bất ngờ. Lúc biết tôi gặp lại Chatchai, người từng đánh bại mình ở SEA Games, bố mẹ luôn nói "Cố gắng lên", thậm chí khuyên tôi phải đánh như thế nào để hạ anh ta dù không hiểu rõ về Boxing.

Để chuẩn bị cho trận đấu với Chatchai, tôi và các thầy đã tập luyện rất kỹ càng, nghiên cứu đối thủ rồi chuẩn bị tâm lý. Tôi không biết chắc chắn xác suất thắng của mình là bao nhiêu, nhưng tôi biết mình có thể thắng và tôi muốn thắng. Tôi hiểu anh ấy rất mạnh, trình độ vượt hơn hẳn mình, nhưng sự tự tin đã giúp tôi lên đài và thắng.

Còn về chuyện thất bại, không phải võ sĩ nào cũng giành chiến thắng mãi được. Tôi đã thua khá nhiều, nhưng quan trọng là mình phải rút ra được những bài học gì cho bản thân sau mỗi thất bại đó. Không bao giờ có chuyện tôi chuẩn bị tinh thần đón nhận cho thất bại cả, bởi mỗi khi bước chân lên đài tôi đều muốn giành chiến thắng.

Nếu cơ hội thắng của tôi không cao trước một đối thủ quá mạnh, ít ra võ sĩ cũng phải đặt mục tiêu đấm trúng đối phương càng nhiều càng tốt. Tôi cần biết mình phải kiểm soát trận đấu, di chuyển như thế nào, đấm như thế nào, gây tác động mạnh ra sao. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi dập khuôn một cách máy móc cho bản thân phải đấm trúng bao nhiêu lần.

Cũng có trường hợp về những võ sĩ khi lên đài thi đấu thì "đấm như máy", ra đòn liên tục. Đó không phải là biểu hiện của lối đánh máy móc. Trên thực tế, họ là những võ sĩ vượt trội về cả trình độ, sức mạnh lẫn trình độ, và họ hiểu đối phương quá rõ. Cùng là một kỹ thuật đấm, nhưng với mỗi người sử dụng, hiệu quả sẽ khác nhau, không ai giống ai cả.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Trước mỗi trận đấu quan trọng, dĩ nhiên tôi và những võ sĩ khác đều có nghiên cứu đối thủ: thói quen di chuyển, cách ra đòn, cách kiểm soát trận đấu... Tuy nhiên chúng tôi không tìm hiểu quá sâu đến mức đọc tiền sử chấn thương hay đoán thể trạng. Võ sĩ khỏe hay yếu đều được thể hiện trên võ đài, chứ không phải từ những bản báo cáo.

Nếu đối phương gặp chấn thương, hay bị ốm mà vẫn lên đài thì võ sĩ phải làm như thế nào? Chúng tôi vẫn phải chiến đấu với họ, chứ không thể không ra đòn. Một khi đã lên đài thi đấu, võ sĩ phải tìm cách giành chiến thắng theo cách hiệu quả nhất cho mình.

Chấn thương nặng nhất Đương từng gặp phải là gì?

Những võ sĩ Boxing như chúng tôi gặp phải rất nhiều chấn thương trong quá trình tập luyện, thi đấu. Tay, vai, mắt, hàm... là những bộ phận dễ chịu thương tổn nhất trong quá trình tập luyện và thi đấu. Bản thân tôi cũng từng gặp chấn thương nặng để lại đến tận bây giờ, đó là một lần gãy xương ngón tay.

Chấn thương này tôi gặp phải vào 10 năm trước, khi tôi phải thi đấu tập 9 hiệp. Vết gãy xương ngón tay này khiến tôi phải nghỉ thi đấu trong một thời gian dài, gần như không làm được gì cả. Ban đầu tôi tưởng mình chỉ vỡ sụn tay nên tiếp tục tập luyện, chườm đá và dùng thuốc giảm đau, sau này mới biết bị gãy xương.

Tôi còn nhớ lúc lên thi đấu ở giải toàn quốc 2012, tay tôi sưng to đến mức lúc đeo găng vào không thể nắm chặt được. Đó là chấn thương nặng nhất tôi từng gặp phải. Còn sụn tay vỡ thì tôi bị vỡ rất nhiều, gần như các sụn khớp ngón tay đều vỡ cả rồi. Những chấn thương như đau cơ, rách da là điều bình thường.

Tôi may mắn là khi vết gãy xương lành lại, điều đó không ảnh hưởng đến thể trạng hay những cú đấm của tôi. Khi ra đòn, tôi có thể đấm với 100% sức lực mà không phải ghìm lại, không phải sợ ra đòn quá mạnh đến mức tự gây chấn thương cho chính mình.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Thần tượng Boxing của Đương là ai?

Tôi thích Canelo Alvarez, võ sĩ Mexico từng vô địch nhiều hạng cân với lối đánh rất máu lửa. Dĩ nhiên là ai cũng thích một trận thắng knock-out, cả võ sĩ lẫn khán giả, bởi đó là cách rõ ràng nhất để phân định thắng thua về một trận đấu Boxing.

Mayweather là một kiểu võ sĩ khác với Canelo. Anh ấy thuộc dạng võ sĩ tỉnh táo, thi đấu thông minh, kiểm soát hoàn toàn trận đấu. Anh ấy không ra đòn quá dồn dập về phía đối phương, nhưng cũng không để cho bản thân phải nhận quá nhiều đòn. Nhìn chung các trận đấu của Floyd khá "nhàn", bởi anh ấy giữ được sức để đấu đường dài.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Boxing không phải là 2 võ sĩ lên đài lao vào đấm nhau. Không phải cứ đánh thật nhiều, ra đòn nhiều là sẽ giành chiến thắng. Boxing rất đẹp khi 2 võ sĩ lên thi đấu và tìm mọi cách để lừa nhau ra đòn. Từ ánh mắt đến từng bước di chuyển, họ lừa nhau để dẫn dụ đối phương theo lối đánh của mình rồi tung đòn. Boxing là đấu đối kháng, nhưng phải làm thế nào để đánh hiệu quả nhất.

Một võ sĩ đấm 10 quả trượt cả 10 chắc chắn sẽ thua võ sĩ chỉ đấm 3 đòn nhưng trúng cả 3. Thế nên võ sĩ nào cũng muốn thắng knock-out, nhưng điều đó chỉ xảy ra khi đúng người, đúng thời điểm và đúng đòn. Trước khi thắng knock-out, võ sĩ cần tìm cách làm thế nào để giành chiến thắng trước đã.

Không phải cứ muốn thắng KO là được, võ sĩ phải điều chỉnh sao cho hợp lý. Đó là điều tôi học được từ nhiều trận thắng, nhiều trận thua, sau nhiều lần rút kinh nghiệm và trao đổi với các huấn luyện viên.

Ai là HLV có ảnh hưởng nhiều nhất đến Đương từ trước đến nay?

Đó là HLV Nguyễn Anh Dũng ở Đội tuyển Boxing Việt Nam. Thầy như người cha thứ hai của tôi. Vào năm 2009, thầy Dũng chính là người đã giữ tôi ở lại đội Boxing Công an nhân dân để tiếp tục tập luyện. Đến thời điểm hiện tại, vào những giải đấu không có thầy đồng hành ở nước ngoài, tôi và thầy vẫn thường xuyên trò chuyện, trao đổi về chuyên môn và tâm lý.

Tôi có được như ngày hôm nay nhờ thầy Dũng, nhưng một phần cũng nhờ chính bản thân tôi không ngừng cố gắng. Tôi không bao giờ để người khác nghĩ mình được thầy ưu ái nên mới thành công. Mọi chiến thắng đều từ đôi tay tôi đấm ra. Mọi đối thủ đều do đôi tay tôi đánh bại. Trong Boxing, võ sĩ phải nói chuyện với nhau bằng khả năng qua những cú đấm trên võ đài.

Nguyễn Văn Đương kể về thú vui đọc sách, đầu tư chứng khoán và ước mơ tương lai

Đương quan niệm như thế nào về võ thuật?

Mỗi người có một suy nghĩ khác nhau về võ thuật, về Boxing. Các võ sĩ đấu Boxing với nhau để làm gì? Với bản thân mình, tôi đấu Boxing để hướng đến thành công của bản thân, vì màu cờ sắc áo. Mọi va chạm ở bên ngoài xã hội không giúp tôi bất cứ điều gì cả, thế nên tôi không bao giờ đánh nhau ở bên ngoài. Những ai tập võ càng lâu sẽ càng hiểu điều đó và tránh rắc rối.

Nếu trong một cơn nóng giận, võ sĩ Boxing nổi cáu đánh người thì hậu quả chắc chắn không hề nhỏ. Tôi cũng có nghe câu chuyện về những võ sĩ Boxing lầm đường lạc lối vì võ thuật, nhưng đó là chuyện của quá khứ. Mọi chuyện rất khác với chúng tôi bây giờ.

Chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để thành công với võ thuật, với Boxing như mở phòng tập, dạy võ cho học viên...

Tôi muốn trong tương lai, mình có thể mở một phòng tập mang thương hiệu của bản thân mình.

Ngoài ra tôi cũng muốn làm HLV để đào tạo ra những võ sĩ giỏi trong tương lai. Họ sẽ là những người thành công hơn tôi, bay cao và xa hơn tôi bởi thành tích tôi giành được lúc này chưa là gì cả.

Xin cảm ơn Nguyễn Văn Đương với cuộc trò chuyện này và hi vọng rằng ở SEA Games 31 sắp tới, Văn Đương thi đấu thành công và góp phần vào thành công chung của thể thao Việt Nam tại đấu trường Đông Nam Á!

 

Hải Sơn - Ảnh: NVCC
Quang Anh
27.04.2022
Copy link