Trò chuyện cùng Thethao.vn, Tổng thư ký VIRESA Đỗ Việt Hùng chia sẻ mục tiêu của đoàn Thể thao điện tử Việt Nam là sẽ nằm trong Top 3 tại SEA Games 31. Theo đó, ông nhận xét rằng Việt Nam - Thái Lan là cuộc đối đầu kịch tính ở mọi khía cạnh. Tuy nhiên, ở thể thao điện tử, cuộc so tài giữa Việt Nam với các quốc gia khác cũng mang tới sự hấp dẫn nhất định cho cộng đồng người hâm mộ.


Xin chào Tổng thư ký Đỗ Việt Hùng của Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam. Đầu tiên xin mời ông giới thiệu về bản thân với các độc giả của Thethao.vn?

Xin chào quý độc giả của Thethao.vn. Tôi là Đỗ Việt Hùng, hiện là Tổng thư ký của Hội Thể thao Điện tử giải trí Việt Nam, được thành lập từ ngày 13/1/2009 theo quyết định của Bộ Nội vụ, chịu trách nhiệm chính về hai lĩnh vực là Thể thao điện tử và Thể thao giải trí, hay là vũ đạo Thể thao giải trí tại Việt Nam.

VIRESA hiện nay cũng đã là thành viên của nhiều tổ chức như Liên đoàn Thể thao điện tử Châu Á, Liên đoàn Thể thao điện tử Thế giới và gần đây nhất là Liên đoàn Thể thao điện tử Toàn cầu GEF. Ở Việt Nam, hội chịu sự chỉ đạo về mặt chuyên môn của ngành Thể dục - Thể thao cụ thể là Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Bản thân tôi tham gia vào VIRESA từ nhiệm kỳ 3, bắt đầu 6/2020 với vai trò là Tổng thư ký. Tôi cũng đã có một quá trình ờ một thời gian dài công tác trong ngành nội dung số, thể thao điện tử và truyền hình.

Theo ông, độ chín của một VĐV thể thao điện tử nằm ở độ tuổi bao nhiêu?

Nếu để có một thống kê hay dữ liệu kết luận về độ chín của các VĐVthể thao điện tử ở thời điểm này vẫn còn khá nhiều tham số. Bởi lẽ, vẫn có sự khác nhau trong môi trường tiếp cận thể thao điện tử ở các nước trên thế giới, và trong khu vực châu Á.

Về cơ bản, độ tuổi từ 18-22 là khoảng mà các bạn VĐV có sức bật tốt nhất. Đối với thể thao điện tử thì nó là lĩnh vực nghề nhiệp và chủ yếu sinh hoạt trên môi trường số nên nhiều khả năng sau khi phát huy tầm ảnh hưởng của mình, cũng như giá trị tích cực của VĐV thì vẫn có thể duy trì những đóng góp.

Về cơ bản, độ tuổi của thể thao điện tử có thể sẽ sớm hơn so với những môn thể thao truyền thống khác. Nhưng độ chín của VĐV thi đấu chuyên nghiệp cũng như những môn thể thao khác. Tuy nhiên, các bạn VĐV hay những người làm nghề trong lĩnh vực thể thao điện tử thì sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp tục duy trì cái tầm hưởng, tạo ra giá trị của mình và đóng góp ngược lại.

Ở nhiều môn thể thao truyền thống thì các VĐV sau thời gian thi đấu đỉnh cao cũng gặp nhiều hạn chế để có thể tiếp tục duy trì sự đam mê và đóng góp của mình.

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Các VĐV có thể sống với nghề thể thao điện tử lâu dài hay không khi mức lương chưa thể cạnh tranh với các môn thể thao truyền thống?

Thực ra đây là một câu hỏi khó và cũng mục tiêu của nhiều tổ chức, nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực thể thao điện tử không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Lịch sử phát triển của thể thao điện tử so với các môn thể thao khác sẽ ngắn hơn nhưng tốc độ tăng trưởng tốt hơn. Nó đã thể hiện và khẳng định được tiềm năng tốt hơn. Tuy nhiên, để chúng ta tiệm cận và đạt đến ngưỡng thể thao điện tử là một ngành nghề hấp dẫn và tạo ra mức thu nhập đủ tốt cho mọi thành phần, mọi tổ chức đơn vị cá nhân tham gia vào thì tôi cho rằng là cần phải có thêm thời gian.

Ở Việt Nam, hiện tại đã có khá nhiều tổ chức thể thao điện tử hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, VĐVđược trả lương các tổ chức có những cái quy định quy chế sinh hoạt, tập luyện rất là khắt khe ở mức độ chuyên nghiệp. Tuy nhiên là số lượng và quy trình để đạt được mức độ chuyên nghiệp và đẳng cấp như khu vực và thế giới thì vẫn cần bổ sung và hoàn thiện.

Ở thời điểm hiện tại, phong trào hoạt động của thể thao điện tử tại Việt Nam vẫn đang ở quy mô tương đối rải rác. Và một trong những nhiệm vụ, mục tiêu của chúng tôi trong thời gian tới là làm sao hình thành và thúc đẩy các hoạt động phong trào, tạo nguồn VĐVchuyên nghiệp và tạo nguồn nhân sự chuyên nghiệp cho ngành thể thao điện tử trong tương lai khi mà chúng ta phát triển được một hệ thống đồng bộ, từ phong trào bán chuyên đến chuyên nghiệp.

Chúng ta phát triển được lực lượng, VĐV nòng cốt, chúng ta có các tổ chức đầu tư vào một cách bài bản và chuyên nghiệp, chúng ta có các cái đơn vị xã hội hóa, các nguồn lực xã hội hóa tham gia vào, ví dụ như từ truyền thông sản xuất, kinh doanh, thương mại bản quyền thì tổng thể cả cái ngành thể thao điện tử sẽ phát triển được quy mô tương xứng. Và khi đạt được điều đó rồi thì cũng như một mô hình kinh tế ở bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả thể thao điện tử khi đó VĐV sẽ sống được bằng nghề.

Và một trong những mục tiêu quan trọng của VIRESA và những đơn vị hội viên là cùng nhau tạo ra sự cái sự đồng thuận, tạo sự phát triển đồng bộ để làm sao trong một ngày không xa VĐV và những người làm nghề có thể sống được một nghề.

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Ông có thể đưa ra đánh giá, nhận xét về sự phát triển của thể thao điện tử hiện nay? Thể thao điện tử Việt Nam đứng ở đâu so với mặt bằng chung của khu vực Đông Nam Á, châu Á nói riêng và thế giới nói chung?

Chúng ta đang ở giai đoạn có rất nhiều điều kiện để phát triển tốt. Ví dụ để chúng ta nhìn sang là Philippines. Sau khi các bạn Philippines trở thành chủ nhà SEA Games 30 năm 2019, trong khoảng 2 năm trở lại đây, chính xác là 2 năm rưỡi, các bạn đã có thay đổi rất lớn về sự quan tâm, sự phát triển của thể thao điện tử.

Giờ đây, chúng ta đảm nhận vai trò là chủ nhà SEA Games 31. Tôi cho rằng đó là bước ngoặt rất quan trọng để thể thao điện tử Việt Nam tăng tốc, cụ thể hóa những tiềm năng của mình. Về mặt bằng chung, thể thao điện tử Việt Nam trong nhiều bộ môn, nhiều nội dung, nhiều hoạt động, nhiều giải đấu, chúng ta đều có những VĐV ở tầm khu vực, cũng có những VĐV từng thi đấu ở CKTG, nhưng về độ phổ biến thì chưa được cao. Với phạm vi như khu vực Đông Nam Á, tôi cho rằng thể thao điện tử Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện cạnh tranh trong Top 3.

Với phạm vi châu Á và thế giới, chúng tôi đang đặt mục tiêu Việt Nam nằm trong Top 10. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào từng bộ môn, từng nội dung và điều kiện cụ thể. Chúng ta có những ví dụ như giải đấu Đông Nam Á, Việt Nam từng giành huy chương và thậm chí là vô địch. Nhưng ở các giải châu Á và thế giới, thành tích chúng ta chưa được tốt. Thế thì, thể thao điện tử Việt Nam có đủ tiềm năng và đâu đó đang ở nhóm dẫn đầu Đông Nam Á. Nhưng nếu chúng ta không đồng bộ, phát triển bài bản một cách bền vững và không đặt mục tiêu xứng tầm, rất có thể chúng ta sẽ bị chậm chân so với các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt trong những năm gần đây, chúng ta thấy Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, họ đang có quá trình tăng tốc rất mạnh. Nhưng như tôi đã nói, SEA Games 31 là điểm nhấn rất quan trọng và chúng ta đang nhận được sự ủng hộ. Tôi hy vọng thể thao điện tử Việt Nam sẽ khẳng định được vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á.

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Ông đã nói về SEA Games 31 là cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội cũng sẽ đi kèm với áp lực. Liệu có phải thành tích chính là áp lực lớn nhất?

Một sự kiện thể thao đa môn như SEA Games với 40 bộ môn thi đấu, 526 nội dung, tức là 526 bộ huy chương, thì xét trên bình diện khu vực, đây là sự kiện rất lớn. Việc thành tích hay các kết quả khác từ công tác đến tổ chức hay chuyên môn đều mang tới những hiệu quả nhất định với cộng đồng và bạn bè quốc tế, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Với SEA Games 31 và với sự chuẩn bị của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, đến thời điểm hiện tại, VIRESA cũng như các hội khác trong khu vực cũng đang phối hợp với nhau rất tích cực để chuẩn bị, nỗ lực tổ chức một kỳ SEA Games thành công cho thể thao điện tử.

Với sự chuẩn bị về mặt chuyên môn, đánh giá về lực lượng của các bộ môn thi đấu, chúng tôi cũng đặt mục tiêu ở trong SEA Games 31 Việt Nam sẽ nằm trong Top 3. Cũng có những bộ môn chúng ta đặt mục tiêu giành Huy chương vàng. Việc áp lực, rõ ràng với một sự kiện quốc tế đa môn, đặc biệt là khi thể thao điện tử có 10 nội dung thi đấu và trên 300 VĐV tới từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á. Đây là áp lực rất lớn cho công tác tổ chức khi chúng ta đều biết về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Tuy nhiên, BTC cũng như các đơn vị có liên quan cũng nỗ lực tiếp tục, chuẩn bị chu đáo nhất, tốt nhất để đảm bảo sự kiện diễn ra thành công. Về các góc độ khác của công tác tổ chức, tôi cho rằng thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo chính phủ sẽ xuất hiện nhiều số nội dung thi đấu theo chuẩn Olympic nhất. Nó cũng mang đến cơ hội cạnh tranh tốt hơn cho các nước trong khu vực. Về danh sách, bạn có thể thấy có nhiều môn nằm trong danh sách rất phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Ở SEA Games 31 có 8 môn và 10 nội dung thi đấu. Ông có ước tính chúng ta sẽ được bao nhiêu huy chương Vàng không?

Tôi nghĩ thể thao điện tử là một trong những môn cái tham số về mặt chất lượng thi đấu là nhiều nhất so với các môn khác. Chúng ta từng thấy có những đội tuyển Việt Nam và các nước trong khu vực vô địch một giải đấu kỳ này, nhưng ngay sau đó lại không đạt được phong độ tốt. Tất nhiên, với góc độ là đội chủ nhà, chúng tôi cũng có những mục tiêu rất cụ thể. Nhưng khi SEA Games chưa khởi tranh, chúng tôi xin phép tạm thời giữ bí mật để hy vọng trong khoảng thời gian tới, khi các hoạt động gần hơn, chúng ta sẽ có thêm động lực để cổ vũ.

VIRESA đóng vai trò gì trong việc lựa chọn 8 môn thi đấu ở SEA Games 31?

Theo quy định của ban tổ chức, những môn nằm trong danh sách thi đấu sẽ được ban tổ chức tham khảo đơn vị chủ trì, ở đây là VIRESA. Chúng tôi thực hiện quá trình tham thảo, bàn bạc với môi trường trong nước, ví dụ như nhà phát hành, đơn vị tổ chức thể thao điện tử chuyên nghiệp cũng khảo sát, đánh giá, cân nhắc lựa chọn để làm sao chúng ta đáp ứng được những tiêu chí của ban tổ chức. Chúng ta đáp ứng được tiêu chí riêng về mặt chuyên môn, đáp ứng được tiêu chí về đảm bảo chất lượng tổ chức, công tác thi đấu. 

VIRESA là đầu mối, tổng hợp, để đề xuất với ban tổ chức. Những quyết định của chúng tôi cũng phải trải qua quá trình trao đổi rất kỹ với các tổ chức có liên quan và đạt được sự đồng thuận tối đa.

Chúng tôi được ban tổ chức giao nhiệm vụ chủ trì công tác tổ chức thi đấu với 8 môn và 10 nội dung.

Việc được tính huy chương ở SEA Games 31 có phải là bước ngoặt với thể thao điện tử Việt Nam?

Việc chúng ta xuất hiện ở đấu trường như SEA Games đã là bước ngoặt. Điều đó được khẳng định ở SEA Games 30 và tiếp tục khẳng định ở SEA Games 31. Việt Nam chúng ta là chủ nhà thì như tôi đã nói, đây là cơ hội rất lớn. Thứ nhất, chúng ta được nhìn nhận toàn diện như các môn thể thao truyền thống khác. Thứ 2, thể thao điện tử có cơ hội cực kỳ tốt để quảng bá không chỉ về chất lượng VĐV, công tác tổ chức mà còn về con người, văn hóa, yếu tố tích cực, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Rõ ràng, điều này sẽ tạo ra bước ngoặt rất lớn cho cộng đồng tại Việt Nam, tiếp tục thúc đẩy giá trị đang có và tiếp cận các nguồn lực ở quốc tế. Đặc biệt, SEA Games sẽ mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tuyệt vời cho người hâm mộ, cho người xem. 

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Trong 8 môn Esports và 10 nội dung thi đấu, ông xác định đâu là những môn thế mạnh của Việt Nam?

Chúng ta sẽ có bộ môn lần đầu tiên xuất hiện là Tốc Chiến dành cho nữ. Có thể nhìn thấy các bộ môn, nội dung thi đấu khá đa dạng và cũng đảm bảo được yếu tố cạnh tranh bình đẳng giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Có những bộ môn chúng ta từng giành vị trí cao, chẳng hạn như trong Top 3. Có những bộ môn chúng ta thường giành những vị trí Top 1. Tuy nhiên, từ nay đến SEA Games, chúng ta còn nhiều thời gian và tham số để tham khảo. 

Chúng ta chuẩn bị tích cực thì các bạn cũng vậy. Chúng ta có biến động thì nước bạn cũng thế. Tuy nhiên, với tư cách là chủ nhà, chúng tôi cũng giành những sự quan tâm một cách đồng đều đến tất cả các môn ở kỳ đại hội lần này. Về cơ bản, các môn đều có cơ hội cạnh tranh huy chương. Một số môn đang trong quá trình tích lũy và có cơ hội cạnh tranh huy chương. Tuy nhiên, làm sao để cụ thể hóa những tiềm năng, những lợi thế đó để đạt thành tích tốt nhất. 

Chúng ta có lợi thế ở một số bộ môn ví dụ như LMHT, Liên Quân Mobile hay Free Fire hay PUBG Mobile, Đột Kích chẳng hạn.

Ở SEA Games 2019, đoàn thể thao điện tử Việt Nam không giành được tấm Huy chương vàng nào. Theo ông, Việt Nam đã rút ra được những bài học gì để hướng tới những tấm Huy chương vàng trong năm 2022?

Nhắc lại SEA Games 30, tại thời điểm thể thao điện tử được chọn là môn thi đấu tranh huy chương, cộng đồng tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung rất hào hứng. Thực tế, trong 6 nội dung thi đấu của SEA Games 30, chúng ta có vài bộ môn có thành tích tương đối tốt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dừng lại như vậy thôi chứ không có Huy chương vàng.

Do đó, để hướng tới SEA Games 31, chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, trao đổi với các đơn vị trong nước để chúng ta có kỳ SEA Games thành công, có kết quả tốt hơn SEA Games 30. Đặc biệt, chúng ta đạt được mục tiêu đứng trong Top 3.

Với bóng đá, tính cạnh tranh giữa Thái Lan và Việt Nam rất căng thẳng. Vậy theo ông, tính đối đầu ở môn thể thao điện tử sẽ thế nào?

Tôi cũng là người hâm mộ bóng đá và được chứng kiến những cuộc đối đầu kịch tính, hào hứng giữa Việt Nam và Thái Lan. Nhưng ở môn này, để đánh giá một cách tổng thể, chúng ta còn nhiều nước khác tại khu vực Đông Nam Á. Chúng ta còn có Philippines, Singapore, Malaysia và Indonesia. Họ đều có những thế mạnh nhất định.

Về thể loại, kỹ năng, trong một vài nội dung, những cuộc chạm trán giữa Việt Nam và Thái Lan cũng mang lại sự hấp dẫn. Nhưng với thể thao điện tử, chúng ta không chỉ dừng lại ở cuộc thư hùng giữa Việt Nam và Thái Lan.

Chúng ta cũng có những trận thi đấu giữa Việt Nam và Indonesia. Hay gần đây ở bộ môn Tốc Chiến tại FBang SEA EC, chúng ta thấy rằng không chỉ Việt Nam và Thái Lan, mà còn các quốc gia khác. Tôi nghĩ Việt Nam - Thái Lan là cuộc đối đầu hấp dẫn. Nhưng với thể thao điện tử, cuộc đối đầu giữa Việt Nam và một số quốc gia khác cũng mang tới sự hấp dẫn cho cộng đồng.

Tổng thư ký VIRESA: Esports ở SEA Games 31 không dừng lại ở cuộc thư hùng Việt Nam - Thái Lan

Những VĐV giành Huy chương vàng ở SEA Games sẽ nhận được những gì?

Các bạn VĐV khi tham dự phải nhận được sự phê duyệt của ban tổ chức, của ngành thể dục thể thao tại Việt Nam. Khi các bạn giành được những thành tích, chúng ta cũng sẽ có cơ hội để được xem xét. Thứ nhất là xem xét cơ hội phong hàm, cấp. Thứ 2 là chế độ theo quy định không chỉ là thể thao điện tử mà là tất cả các môn khác, đều được ban tổ chức áp dụng.

Không hẳn là một đất nước nào đó như Việt Nam, Thái Lan, Singapore hay Philippines có lợi thế ở bất kỳ môn nào. Về cơ bản, cơ hội cạnh tranh là tương đối công bằng cho các nước.

Vì vậy, chúng tôi đặt mục tiêu Top 3 nhưng không đặt áp lực với các bạn VĐV. Lý do vì sao?

Chúng ta có được cơ hội tập luyện, cọ xát trong khoảng thời gian qua, chúng ta hãy tập trung nguồn lực tốt nhất, thi đấu với tinh thần thoải mái nhất, dồn các nguồn lực tốt nhất cho VĐV, công tác tổ chức, thì tôi nghĩ kết quả đẹp nhất và vinh dự nhất là tấm huy chương trong lòng người hâm mộ.

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
 

Thành Đạt
Vi Anh
18.05.2022
Copy link