Tầm sư học đạo

Muay bắt đầu du nhập vào Việt Nam ở thập niên 90, nhưng những võ sĩ đầu tiên ăn tập Muay chuyên nghiệp mới chỉ xuất hiện 10-15 năm trước. Họ gồm có Nguyễn Phú Hiển, Võ Văn Đài... đặc biệt là "Độc cô cầu bại" Nguyễn Trần Duy Nhất. Đến nay, thế hệ võ sĩ Muay Việt Nam đầu tiên đã dần chuyển sang công tác huấn luyện, qua đó tiếp tục gắn bó với môn võ thực chiến này.

"Các võ sĩ Muay Việt Nam sang Thái Lan thường theo những chuyến tập huấn ngắn ngày. Họ chỉ nhận lời thi đấu một vài trận chuyên nghiệp trên đất khách, và hiếm ai nghĩ đến việc thi đấu liên tục". Đó là nhận định của một võ sĩ Việt Nam từng bỏ tiền túi đến Thái Lan tầm sư học đạo. Đây là điều dễ hiểu, khi xét trong bối cảnh Muay Việt Nam chưa có bề dày như nước bạn.

Theo chia sẻ của nhiều võ sĩ Việt Nam, những chuyến đi đến Thái Lan ăn tập có thể trở thành "địa ngục trần gian" với những người yếu tim. Người Thái để các võ sĩ trau dồi kinh nghiệm bằng việc thi đấu với nhau hàng ngày. Mỗi trận đấu tập có thể diễn ra không khác gì đấu thật, khi võ sĩ Thái Lan sẵn sàng "bắt nạt" những tay lính mới vừa từ Việt Nam đến.

Tại các lò Muay Thái Lan, mỗi hàng cân luôn có hàng chục võ sĩ thường xuyên tập luyện. Họ được xếp hạng từ trên xuống dưới theo trình độ và thành tích thi đấu. Đây là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất để quyết định võ sĩ nào được đưa đến giải đấu nào, và điều đó sẽ ảnh hường trực tiếp đến "giá" của họ, là mức phí giải đấu phải bỏ ra để mời họ tranh tài.

Trước khi trở thành võ sĩ thành danh ngay cả với những đối thủ Thái Lan, nhiều võ sĩ Việt Nam từng nhận lời thi đấu với giá tương đương 3 triệu đồng/sự kiện. Đó là những ngày họ mới đến Thái Lan, nơi những võ sĩ trẻ coi anh như "bao cát". Hết người này rồi người khác tung đòn nặng vào điểm yếu để hạ gục anh.

Nhưng không có áp lực, không có kim cương. Quãng thời gian tầm sư học đạo đầu tiên trên đất Thái Lan đã trui rèn bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu cho các võ sĩ Việt Nam. Chỉ có quãng thời gian ăn tập trực tiếp trên "đất tổ" Muay, võ sĩ Việt Nam mới có dịp học hỏi tất cả những tinh túy từ môn võ này.

4-man Tournament, trải nghiệm khắc nghiệt nhất của võ sĩ Muay

Đấu 4 người, 2 trận mỗi đêm
Trong số các võ sĩ Muay Việt Nam đến Thái Lan trui rèn, Trương Cao Minh Phát có lẽ là người hiếm hoi dám quăng mình vào những trận đấu khốc liệt nhất. Chỉ tính riêng năm 2022, võ sĩ sinh năm 1995 đã liên tục đến Thái Lan tập huấn và thi đấu chuyên nghiệp. Anh cũng tham dự không chỉ 1, mà tới 2 sự kiện 4-man Tournament tại Thái Lan và tạo ấn tượng không nhỏ.

Việc Phát lọt vào đến vòng bán kết chuỗi giải 4-man Tournament của Super Champ là minh chứng cho thấy võ sĩ Việt Nam đủ khả năng tranh tài ở những đấu trường Muay khốc liệt nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần câu chuyện. Khi phải thi đấu nơi đất khách quê người, võ sĩ Việt Nam sẽ phải chịu những thiệt thòi không nhỏ.

Điều thiệt thòi đầu tiên của võ sĩ Việt Nam khi du đấu nước ngoài là việc ép cân. Họ thường thực hiện điều này trước khi xuất ngoại. Việc này thường khiến cho cơ thể võ sĩ cảm thấy "khô" do lượng nước trong người thấp hơn thường lệ. Võ sĩ có thể cảm thấy khó chịu, dễ nổi nóng, đồng thời sức khỏe đi xuống.

Một chi tiết khác không ủng hộ võ sĩ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là chuyện ăn uống. Đồ ăn Thái Lan thường không hợp khẩu vị Việt Nam do người dân nơi đây thích những món cay, nóng, nhiều dầu mỡ. Nếu không thể ăn được đồ bản xứ, võ sĩ Việt Nam sẽ phải tự nấu ăn, hoặc tìm đến đồ ăn liền nhưng mì gói.

4-man Tournament, trải nghiệm khắc nghiệt nhất của võ sĩ Muay

Liệu những võ sĩ ăn mì gói có thể đấu lại đối thủ được chuẩn bị kỹ càng ngay trên sân nhà không? Những câu chuyện như món ăn, hay ép cân chỉ là một trong vô vàn những điểm khó khăn với võ sĩ Việt Nam nói chung. Trong câu chuyện của giải 4-man Tournament, những điểm bất lợi cho "người ngoài" còn đến ở một chi tiết khác.

Là thể thức đặc biệt khi đấu loại trực tiếp ngay trong 1 đêm thi đấu, 4-man Tournament yêu cầu 1 võ sĩ phải thắng 2 trận liên tiếp để trở thành nhà vô địch. Việc phải đấu 2, thay vì 1 trận đấu khiến võ sĩ phải tính toán rất nhiều nếu muốn trở thành người chiến thắng sau cùng. Chỉ một sơ sẩy nhỏ có thể khiến họ trả giá.

Lấy ví dụ, một giải 4-man Tournament có thể bao gồm 4 võ sĩ A, B, C, D. A thắng B trong trận đầu tiên nhưng để lộ điểm yếu dễ bị thúc gối vào phần bụng trái. Khuyết điểm của A sẽ được C, người thắng D trong trận đấu còn lại, quan sát kỹ để chiếm lợi thế khi họ gặp nhau trong trận đấu cuối cùng.

4-man Tournament, trải nghiệm khắc nghiệt nhất của võ sĩ Muay

Phần thưởng xứng đáng

Mọi cố gắng đều được nhận về cái giá tương đương. Trong câu chuyện của Muay chuyên nghiệp Thái Lan, những sự kiện 4-man Tournament thường có mức thưởng không nhỏ dành cho võ sĩ tham dự. Đây là điều hoàn toàn hợp lý, bởi người chiến thắng 4-man Tournament phải vượt qua tới 2 đấu thủ cùng thời lượng thi đấu lớn hơn người khác.

Cảm hứng từ 4-man Tournament đã giúp những nhà tổ chức sự kiện Muay chuyên nghiệp tại Việt Nam hướng đến một thể thức tương tự. Bên cạnh những võ sĩ chủ nhà và đại diện Thái Lan, đơn vị tổ chức Muay Thai Rampage là Shadow Entertainment cũng mới không ít võ sĩ quốc tế đến tham dự. Đây là một trong những điểm rất mới, cho thấy mọi người đều có thể đến Việt Nam thi đấu Muay.

4-man Tournament, trải nghiệm khắc nghiệt nhất của võ sĩ Muay

Khoản tiền thưởng hấp dẫn từ 4-man Tournament của Muay Thai Rampage cũng sẽ thu hút nhiều võ sĩ tham gia tranh tài. Theo công bố từ ban tổ chức, người giành chiến thắng chung cuộc của 4-man Tournament sẽ được nhận 5000 USD tiền thưởng từ Muay Thai Rampage. Trong trường hợp giành chiến thắng knock-out, võ sĩ còn được nhận thêm 1000 USD.

Số tiền thưởng của Muay Thai Rampage được ban tổ chức công khai cũng là một trong những điểm mới của võ thuật chuyên nghiệp. Trước Muay Thai Rampage, hiếm có giải đấu nào công khai tiền thưởng dành cho võ sĩ. Việc công khai tiền thưởng sẽ giúp hoạt động thể thao chuyên nghiệp diễn ra minh bạch hơn, đẹp hơn dưới con mắt người theo dõi.

Trong một lần chia sẻ, ông Giáp Trung Thang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Muay TP Hồ Chí Minh từng nói: "Các sự kiện võ thuật chuyên nghiệp của Việt Nam đang dần phát triển. Việc công khai và minh bạch tiền thưởng cho võ sĩ, vì thế, cũng ngày một quan trọng hơn". Muay Thai Rampage đang đi đúng trên con đường như vậy.

4-man Tournament, trải nghiệm khắc nghiệt nhất của võ sĩ Muay
Hải Sơn
Thế Anh
14.09.2023
Copy link